Sử dụng nhiều phiên bản PHP trên cùng một host

Hướng dẫn sử dụng nhiều phiên bản PHP trên cùng một host.

Bạn đang chạy cùng lúc nhiều blog/ website trên một host? Mỗi blog/ website của bạn lại chỉ hỗ trợ một phiên bản PHP nhất định? Trong trường hợp bạn muốn chạy PHP 7.x trên site này nhưng vẫn muốn giữ PHP 5.x trên site khác thì phải làm thế nào? Có thể bạn không để ý, nhiều nhà cung cấp hosting hiện tại đã cho phép làm việc này một cách dễ dàng thông qua cPanel. Đúng vậy, bạn hoàn toàn có thể sử dụng nhiều phiên bản PHP trên cùng một host, mỗi tên miền một phiên bản PHP khác nhau.

Ngay sau đây, tôi sẽ hướng dẫn cho các bạn cách thiết lập phiên bản PHP riêng cho từng tên miền. Tất nhiên là trong trường hợp cPanel của bạn có hỗ trợ.

Sử dụng nhiều phiên bản PHP trên cùng host

Thay đổi phiên bản PHP cho từng tên miền

1. Đầu tiên, các bạn cần truy cập vào cPanel của hosting mình đang sử dụng. Tìm xem có mục MultiPHP Manager hay không? Nếu có thì hãy click vào đó.

2. Trong giao diện MultiPHP Manager, hãy tích vào tên miền mà bạn muốn thay đổi phiên bản PHP, sau đó lựa chọn phiên bản PHP trong mục PHP Version. Click vào nút Apply để xác nhận.

3. Chờ chốc lát cho quá trình hoàn tất. Load lại tab trình duyệt, bạn sẽ nhìn thấy phiên bản PHP của tên miền đã được thay đổi.

Thay đổi thiết lập của phiên bản PHP

4. Giờ là lúc tùy chỉnh các thiết lập cho phiên bản PHP mà bạn vừa chọn. Quay trở lại giao diện chính của cPanel, tìm mục MultiPHP INI Editor và click vào đó.

5. Có 2 chế độ để chỉnh sửa thiết lập PHP: Basic Mode với giao diện đơn giản, dễ sử dụng nhưng ít thông số để tùy biến. Editor Mode đòi hỏi bạn phải có kiến thức chuyên sâu về PHP nhưng cho phép tùy biến nhiều thứ hơn.

  • Với Basic Mode, các bạn chỉ cần lựa chọn tên miền sau đó tắt/ bật hoặc chỉnh sửa các thông số rồi click vào nút Apply là được.

  • Với Editor Mode, các bạn buộc phải thêm các dòng code vào khung bên dưới để tùy chỉnh thông số PHP thông qua tập tin php.in. Đó là lý do tại sao tôi lại nói bạn cần có kiến thức chuyên sâu về PHP.

Click vào nút Save để lưu lại sau khi hoàn tất.

Đó là tất cả những gì các bạn cần làm để sử dụng cùng lúc nhiều phiên bản PHP trên một host, mỗi tên miền lại được chạy một phiên bản PHP riêng. Cũng không quá phức tạp phải không nào? Chúc các bạn thành công!

 

Xem địa chỉ doanh nghiệp
Nhắn tin cho chúng tôi qua Facebook
Gọi ngay cho chúng tôi
Để lại lời nhắn cho chúng tôi
Chat qua Zalo